22/02/2021 _ Làng thủ công Hội-An.
Bài viết bổ túc của Thu-Loan- Bình Dương về làng nghề thủ công này ở Hội-An
” Ngoài nét đẹp cổ kính, trầm mặc, mộc mạc và nên thơ phố cổ Hội An còn mang một nét đẹp có một không hai là lưu giữ bảo tồn và phát triển những giá trị đồ sộ di-sản văn hóa đã được cơ quan UNESCO thế giới công nhận.
Làng gốm Thanh Hà là một trong những điều độc nhất vô nhị đó.
Làng gốm Thanh Hà nằm cạnh dòng sông Thu Bồn thơ mộng cách phố cổ Hội An 3km về phía Tây.
Làng gốm được hình thành vào thế kỉ thứ 15. Gốm Thanh Hà thịnh vượng nhất vào giữa thế kỉ 17 và 18 gắn với thương cảng Hội An. Các sản phẩm của làng gốm được lên thuyền đi khắp miền xứ Quảng, Thừa Thiên, rồi lên cả tàu biển vượt đại dương đến Nhật Bản. Trung Quốc, Tây Ban Nha, …
Nhưng theo dòng lịch sử thời gian, và sự phát triển không ngừng của xã hội. Gốm sứ Thanh Hà cũng rơi vào khó khăn, trầm lặng. Để có được sự tồn tại và phát triển hơn 500 năm, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và cũng là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan. Có được sự vinh quang và tự hào như ngày hôm nay chính là nhờ sự lãnh đạo tài tình, quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền đối với làng gốm Thanh Hà và tâm huyết của các bậc tiền bối cao nhân yêu nghề, yêu việc, giữ làng và những đôi bàn tay tài hoa khéo léo, điêu luyện trau chuốt ngày đêm thổi hồn vào “đất” và “lửa”.
Trải qua năm thế kỉ, đến nay gốm Thanh Hà vẫn giữ cách thức sản xuất thủ công và gần như độc nhất đó là tạo hình bằng tay hoặc bàn xoay đặc trưng không dùng khuôn.
Một điều đặc biệt, gốm Thanh Hà do không dùng men và bất kì thứ hóa chất nào chỉ dựa vào kinh nghiệm của người làm gốm khi pha trộn đất và sử dụng nhiệt độ nên sản phẩm sau nung có nhiều sắc độ màu khác nhau như vàng đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng. đen, …
Nguyên liệu chính dùng để làm ra những sản phẩm gốm Thanh Hà là đất sét nâu dọc sông Thu Bồn. Được lấy dưới 3m do phù sa sông Thu Bồn tạo nên. Đất sét lấy về được loại bỏ những tạp chất, nhàu nhuyễn rồi dùng kéo xén đất, cắt mỏng ba đến bốn lần. Sau đó dùng sức người đạp đi đạp lại để tăng độ liên kết. Có những sản phẩm tinh xảo, đòi hỏi đất mịn thì phải qua một công đoan công phu hơn. Là lọc đất hai đến ba lần để loại bỏ tạp chất.
Sau khi đất đã được luyện rất kỹ thì chia nhỏ thành các phần khác nhau rồi mới bắt đầu tạo hình. Trước khi bắt tay vào tạo hình bạn phải chuốt, đặc biệt khi chuốt phải cần đến hai người thực hiện (thường phụ nữ sẽ làm việc này). Trong đó có một người đứng một chân, chân còn lại được sử dụng để đạp lên bàn xoay đồng thời sử dụng hai bàn tay làm con đất. Người còn lại sử dụng kỹ thuật để lấy con đất đặt lên bàn xoay sau đó cuốn thành hình kén sâu và dùng con sò, vòng, giẻ thấm nước để tạo dáng sản phẩm. Khi đất đã được chuốt thành hình sẽ được đem ra phơi nắng một ngày rồi làm nguội.
Đến phần trang trí, dưới đôi tay điêu luyện, tài hoa khéo léo, tỉ mĩ của các nghệ nhân từng đường nét hoa văn tinh xảo, họa tiết, những hình ảnh con làng, cây đa, góc phố, cành đào, đóa sen, con trâu, giếng nước được sơn vẽ lên từng sản phẩm, giúp cho gốm Thanh Hà mang một nghệ thuật đậm chất hồn Việt. Những sản phẩm gốm cứ lần lượt ra đời từ đôi bàn tay khéo léo điêu luyện của những nghệ nhân lành nghề Thanh Hà.
Gốm Thanh Hà được nung hoàn toàn bằng lò củi truyền thống. Ban đầu nhóm lửa khoảng 7 đến 8 tiếng đồng hồ sau đó mới bắt đầu đốt thật lớn cho đến độ thì nghỉ lửa. Đặc biệt, người Thanh Hà nung gốm bằng kinh nghiệm và cảm giác trực quan về ngọn lửa chứ không dùng đến dụng cụ đo nhiệt. Những nghệ nhân lâu năm chỉ cần nghe tiếng lửa réo, hơi nóng của lò phả ra cộng với thời gian đốt là đủ biết gốm đã đủ chín hay chưa.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường ngoài dòng sản phẩm truyền thống, các xưởng gốm của Thanh Hà còn nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm tượng gốm mỹ thuật nhằm phục vụ du khách cũng như nhu cầu trang trí trong xây dựng.
Tình yêu và sức sáng tạo nghệ thuật của nghệ nhân làng gốm Thanh Hà không bao giờ tắt, giúp cho gốm Thanh Hà cùng với làng mộc Kim Bồng, làng rau Trà Quế, nghề làm lồng đèn, làng đúc đồng Phước Kiều, làng lụa Hội An tạo thành một hệ thống vành đai làng nghề bao quanh khu phố cổ, gắn bó chặt chẽ với sự phát triển kinh tế thương mại của đô thị và cảng thị Hội An.
Xin đại diện cho những người yêu thích gốm Thanh Hà gửi lời chúc sức khỏe và lời cảm ơn chân thành đến tác giả bức ảnh .
Việt Nam, Bình Dương
Thu Loan
_________________________________________
Mat : Leica M9 _ 35mm/2.8 Summaron
By. : daymadi.com
Nét lịch-sữ cùng chi tiết kỹ-thuật đặc trưng của nghề gốm Thanh-Hà qua bài viết sẽ là những chi tiết thú vị cho ai tình cờ ghé mắt tới trang web này!
Cám ơn nhiệt tình của Thu-Loan